Bài Học Lái Xe

Làm thử, theo dõi và thích ứng
Huy Ngo
Aug 18, 2020

Lái xe chưa bao giờ là thứ mà tui tự hào. Hồi nhỏ tui còn không biết lái xe đạp. Thời đó không có xe đạp trẻ em như bây giờ. Cả nhà từ lớn tới nhỏ đều xài chung một cái xe đạp to đùng. Cứ nghĩ leo lên xe lỡ té đau gãy tay gãy chân là tui lại chùn bước nên lại thôi khỏi tập. Nói vậy chứ tui cũng suy nghĩ căng lắm, phải tính toán cho đúng chứ không là hỏng hết! Để coi leo lên xe theo góc nhiêu độ. Đạp cái đầu tiên rồi thì làm sao để leo luôn cái chân còn lại lên xe. Lỡ đạp rồi thì làm sao mà dừng lại. Mà phải chọn đường nào cho to chứ đường mòn trước nhà nhỏ quá đi dễ té. Suy đi tính lại một hồi cỡ nào cũng có thể bị té, thôi đi bộ cho khoẻ người.

Mà cũng chả nhớ từ lúc nào tui đi được, tầm đâu đó đầu năm cấp 3. Chắc lúc đó cao hơn cái xe, chả lo té nữa nên tự khắc đi được.

Bẵng đi một thời gian, tui cũng chả quan tâm tới câu chuyện xe đạp nữa. Cho đến một ngày tui phải học lái xe hơi. Lần tập này tui quyết định là nó phải khác. Chắc cũng không có gì khó, đi xe hơi chắc chắn là không … té. Ngồi xoay vô lăng thì tui không sợ. Mấy cái logic trong lập trình còn phức tạp hơn tám chục lần.

Khác với xe đạp và xe máy, vô lăng xe hơi xoay được bốn vòng. Tuỳ theo mình xoay nó tới vị trí nào và vòng thứ mấy mà góc chạy của xe sẽ khác. Nhìn vào vô lăng lúc xe đang đứng im cũng không chắc được nó sẽ chạy hướng nào. Cách duy nhất để xác định được là xoay hết vô lăng sang một bên rồi trả ngược lại hai vòng. Nghe ông thầy nói một hồi tui bắt đầu vã mồ hôi. Ờ, nó cũng không đơn giản lắm như tui nghĩ.

Rồi tự trấn an rằng tụi thằng Mít con Na ở dưới quê còn làm được, chẳng lẽ một ông kĩ sư đẹp trai sáng sủa như mình lại sợ. Để rồi xem. Tui hít một hơi, vận dụng hết mọi công thức toán học lượng giác, hình học phẳng, hình học không gian, đạo hàm, tích phân, … nói chung là toàn bộ những gì tui biết để tiến hành phân tích cái vô lăng. Để xe cua ít ít, tui phải xoay một góc 30 độ, nếu xoay nhiều hơn thì là góc 90 độ, nếu xoay đầu xe thì phải xoay hết 2 vòng vô lăng. Đi chậm chậm hết một vòng sân tập, kiểm chứng được cái bí kiếp của mình đã đúng, tui thở phào. Thấy chưa, có gì đâu!

Tui chỉ kịp vui mừng được 3 giây, cho tới lúc ông thầy nói giờ tập chạy nhanh hơn. Tui bắt đầu phải tập trung gấp đôi để tính toán. Chắc ổng không phải dân IT nên đâu có biết là cùng một bài toán muốn tính nhanh hơn thì phải nâng cấp cái máy tính. Mà cái đầu của tui thì nó có nâng được miếng nào đâu.

Mà không phải chỉ có mỗi tính toán, tui còn phải nhớ chính xác là cái vô lăng đang nằm ở vị trí nào. Đầu tui bây giờ giống như một cái sơ vơ (server - máy chủ) bị quá tải, đáng lẽ phải gắn thêm ít RAM (bộ nhớ) hoặc đổi con CPU (bộ vi xử lý) mạnh hơn để xờ keo úp (scale up - tăng khả năng) lên, chớ kiểu này chắc là không kham nổi. Mắt tui bắt đầu hoa lên, lỗ tai lùng bùng, tay chân gồng cứng đơ vì tập trung quá độ. Giống như mấy ông truyện kiếm hiệp luyện võ bị tẩu hoả nhập ma, chỉ thiếu mỗi cái là tóc không hoá trắng.

Chạy được 2 vòng, tui chính thức nhập ma. Nói thầy ơi cho tui nghỉ chút, chớ kiểu này là cái sơ vơ (server) của tui nó bốc cháy là không ai chịu trách nhiệm được đâu. Ổng ngơ ngác hỏi server gì. Bởi vậy, ổng đi dạy lái xe bao nhiêu năm mà không hiểu được điều kì diệu của toán học. Tui bắt đầu giải thích cho ổng mấy công thức bí kíp võ lâm vừa nghĩ ra, nói sẵn sàng chia sẻ lại cho thầy không lấy phí. Lấy bí kíp này truyền lại cho học trò, bảo đảm học nhanh cấp tốc.

Ông thầy miệng há hốc kinh ngạc. Nghe tui truyền đạt 5 phút, ổng hết kiên nhẫn, nói mày tính toán chi cho mệt đầu vậy. Quan trọng nhất của lái xe không phải là tính toán cho đúng, mà mày phải luôn luôn tập trung quan sát và thay đổi. Nếu thấy đường cua bên nào, cứ đánh vô lăng qua bên đó. Nếu thiếu thì bồi thêm một ít, nếu dư thì trả lại một tẹo. Lúc chưa quen thì mày chạy thật chậm để có thời gian sửa đổi cho quen. Từ từ vừa tập mày vừa chạy nhanh lên từ từ. Đến khi quen rồi thì đa phần là mày sẽ đánh lái đúng. Mà nếu không đúng liền thì cũng chả sao, miễn là mày luôn tập trung thấy sai thì sửa. Cần gì suy nghĩ cho mệt đầu.

Càng tập tui càng thấy lời ông thầy đúng. Loại bỏ hết mọi tính toán trong đầu, cũng chẳng cần để ý cái vô lăng đang ở đâu. Giống như mấy người luyện võ công phải loại bỏ hết mọi tạp niệm, vô chiêu thắng hữu chiêu. Và một điều quan trọng hơn nữa, kinh nghiệm đó không chỉ ứng dụng trong mỗi việc lái xe.

Lấy ví dụ trong công việc lập trình ứng dụng. Khi bắt tay vào làm, đa số trường hợp người sáng lập (founder) chỉ mới hình thành ý tưởng chứ chưa suy nghĩ chi tiết được mặt mũi và cách thức hoạt động nó ra sao. Ý tưởng phải qua nhiều giai đoạn nhiều người cùng phối hợp làm việc với nhau để ra được sản phẩm: Phân tích, khảo sát, thiết kế, lập trình, kiểm thử, … Tới lúc ra tới thị trường rồi nhận được hồi âm (feedback) của người dùng mới biết thực ra họ không thích cái này, cái kia, muốn có thêm tính năng này nọ. Thành ra bất kì giai đoạn nào trong quy trình làm việc cũng đều có thể sẽ thay đổi.

Thay đổi dường như là một thực tế khách quan. Không thể có một kế hoạch hoàn hảo nào để tránh được nó. Nhiều người không hiểu được điều đó, khi gặp vấn đề cần sửa đổi so với kế hoạch ban đầu thì khó chịu, mặt nặng mày nhẹ, bảo sao không nói với tui từ đầu. Giờ tui làm xong rồi lại bắt tui đổi. Tui hận mấy người. Mấy người không biết như vậy là lãng phí thời gian, công sức và biết bao thanh xuân tươi đẹp của tui. Vân vân và vân mây.

Do đó, vấn đề với cả nhóm làm ứng dụng là phải luôn giữ tư tưởng trong đầu: làm thử, theo dõi, và thay đổi để thích nghi. Đừng theo đuổi một kế hoạch hoàn hảo, hãy bắt tay vào làm. Nếu sai thì sửa. Đừng sợ sai, đừng sợ sửa, chỉ sợ mình không chịu chấp nhận thay đổi mà thôi.

Keep it simple, stupid!