Moving Motivator: Trò Chơi Đơn Giản Để Hiểu Nhau Hơn Và Làm Việc Hiệu Quả

Trò chơi đơn giản để hiểu rõ hơn về bản thân cũng như các đồng nghiệp xung quanh
Huy Ngo
Sep 20, 2020

Treo thưởng thường là cách đầu tiên được mọi người nghĩ đến khi muốn tăng động lực và năng suất làm việc cho nhân viên. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặc dù tỏ ra khá hiệu quả với những công việc tay chân, việc treo thưởng không thực sự hữu hiệu với những việc cần nhiều sáng tạo. Đôi khi nó còn có thể gây ra những tác dụng phụ:

  • Phần thưởng có thể gây tác dụng ngược như một dạng hình phạt. Nếu một chế độ thưởng được duy trì giống nhau liên tục trong thời gian dài, yếu tố tích cực tác động lên tâm lý nhân viên sẽ nhạt dần. Thay vào đó, nhân viên có thể sẽ trở nên sợ bị mất thưởng. Điều này vô tình gây thêm áp lực và ảnh hưởng tới sức sáng tạo của họ.
  • Phần thưởng có thể gây hại tới tình đồng nghiệp, đặc biệt là khi nhân viên phải thi đua để đạt được nó. Việc cạnh tranh cũng có thể làm cho nhân viên chỉ chú trọng để đạt được chỉ số cá nhân cao nhất, thay vì cùng nhau đem lại giá trị tối đa cho tập thể.
  • Phần thưởng có thể làm giảm sức sáng tạo, thử nghiệm và đổi mới nếu thay đổi có khả năng làm cho nhân viên không đạt được chỉ tiêu.
  • Phụ thuộc nhiều vào phần thưởng có thể làm bạn quên mất những mong mỏi khác của nhân viên. Ví dụ nhiều bạn trẻ mong muốn tìm những thử thách thực sự trong công việc thay vì chỉ làm những việc làng nhàng. Lúc đó, việc tăng lương hay thuởng thêm chưa chắc sẽ giúp tăng động lực làm việc hoặc giữ chân được nhân viên.

Nhận thấy điều này, các nhà quản lý bắt đầu tìm hiểu và áp dụng nhiều cách khác. Một phương pháp khá hiệu quả là tìm hiểu những nguồn động lực bên trong (intrinsic motivation) của mỗi nhân viên và cải tiến môi trường làm việc để phù hợp nhất với họ.

Moving Motivator, tạm dịch là Sắp Xếp Các Động Lực, là một trò chơi đơn giản được giới thiệu bởi nhà sáng lập Management 3.0, Jurgen Appelo, được giới thiệu rộng rãi trên website cũng như trong các khoá học chuyên nghiệp về quản lý của họ. Trò chơi giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những nguồn động lực bên trong mỗi người và tác động của chúng đến tập thể.

Các nguồn động lực nội tại

Ý tưởng chủ đạo của Moving Motivator là tìm hiểu những mong muốn cá nhân (intrinsic desires) của mỗi người. Khi môi trường xung quanh phù hợp với những mong muốn này, nhân viên sẽ có thêm nhiều động lực để làm việc. Có 10 loại mong muốn chính được đưa ra bởi Moving Motivator:

  • Sự tò mò (Curiosity): muốn tìm hiểu và khám phá nhiều thứ xung quanh
  • Niềm tự hào (Honor): muốn được tự hào về những giá trị bản thân thể hiện trong công việc
  • Sự công nhận (Acceptance): muốn được mọi người xung quanh chấp nhận con người thật và những gì mình làm
  • Kỹ năng cao (Mastery): muốn có khả năng xử lí những vấn đề khó khăn và phức tạp trong công việc hoặc lĩnh vực của mình
  • Quyền lực (Power): muốn có sức ảnh hưởng tới những điều xảy ra xung quanh
  • Tự do (Freedom): không muốn bị ràng buộc với người khác trong công việc và trách nhiệm của mình
  • Mối quan hệ (Relatedness): muốn có quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh
  • Trật tự (Order): muốn có đủ quy tắc và luật lệ cần thiết
  • Mục tiêu (Goal): muốn công việc phản ánh những đúng với mục tiêu sống
  • Trạng thái (Status): muốn có một vị trí tốt và được công nhận bởi những người khác

Một điều chú ý là tiền bạc không nằm trong danh sách này. Khi bạn suy nghĩ xa hơn: “mình sẽ làm gì khi đã có nhiều tiền?”, câu trả lời sẽ quay lại với những yếu tố được kể ra ở trên. Do đó, tiền được coi là một phương tiện để đạt được mong muốn thay vì là một mong muốn trong danh sách này.

Cách chơi

Cách chơi Moving Motivator khá đơn giản. Mỗi người sẽ có một bộ 10 tấm thẻ tương ứng với 10 mong muốn kể trên.

Bước thứ nhất: sắp xếp 10 tấm thẻ theo mức độ quan trọng đối với bạn theo thứ tự tăng dần từ trái qua phải. Cái ít quan trọng nhất ở bên trái cho đến những thứ quan trọng nhất ở bên phải.

Bước thứ hai: trao đổi với đồng nghiệp để hiểu hơn về cách sắp xếp của mỗi người. Đặt câu hỏi để biết được vì sao những thứ đó lại quan trọng hoặc ít quan trọng đối với họ. Bước này giúp bạn hiểu sâu hơn về đồng nghiệp của mình và đồng thời cũng hiểu rõ bản thân hơn qua việc trả lời các câu hỏi. Có khá nhiều trường hợp đồng nghiệp trong cùng một nhóm có những quan điểm và cách nhìn khác nhau đối với một vấn đề. Bằng cách nhìn vào trật tự ưu tiên của mỗi người, bạn sẽ có thể hiểu và lí giải được nguyên nhân của mâu thuẫn, từ đó đưa ra cách giải quyết để đạt được sự cân bằng.

Bước thứ ba: nếu bạn hoặc nhóm của bạn đang suy nghĩ về một số thay đổi, hãy tưởng tượng các thay đổi đó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các mong muốn kể trên. Đa số trường hợp, thay đổi sẽ làm tăng một vài yếu tố và giảm một vài yếu tố khác. Nếu yếu tố nào được tăng lên bạn di chuyển tấm thẻ của nó cao lên một chút, và ngược lại hạ tấm thẻ thấp xuống nếu nó bị giảm đi. Sau khi đã làm xong, cả nhóm có thể nhìn lại những tấm thẻ để hình dung tác động của thay đổi và quyết định có thực hiện nó hay không.

Bạn có thể chơi khi nào?

Đây là một trò chơi đơn giản nhưng khá hiệu quả. Dưới đây là những trường hợp tôi đã thử dùng:

Thảo luận 1 - 1 với người được hướng dẫn (mentee), đồng nghiệp: tôi là người hướng dẫn cho một số bạn trẻ trong công ty. Mỗi bạn đều có những điểm mạnh, cá tính và mong muốn riêng. Tôi thường bắt đầu việc hướng dẫn bằng cách chơi Moving Motivator. Nhờ đó tôi có thể hiểu rõ hơn và tìm được cách phù hợp nhất để giúp đỡ các bạn. Tương tự, các nhà quản lý cũng có thể chơi trò chơi này với nhân viên của mình.

Phỏng vấn: trò chơi giúp tôi hiểu được tính cách và mong muốn của ứng viên để và cân nhắc xem họ có phù hợp với các thành viên khác trong nhóm hay không.

Tự suy ngẫm: tôi có thể tự chơi trò này một mình và tự đặt câu hỏi cho chính mình. Liệu những gì tôi đã và đang làm có thực sự tốt nhất đối với bản thân hay chưa.

Trò chơi cũng tỏ ra khá hiệu quả khi có sự thay đổi thành viên trong nhóm, khi cả nhóm đang tìm thành viên mới hoặc cần ra quyết định thay đổi một điều gì đó.

Một lưu ý là thứ tự ưu tiên của mỗi người có thể sẽ thay đổi theo thời gian. Ví dụ một thành viên trong nhóm trước đó cảm thấy muốn có thêm nhiều kỹ năng và niềm tự hào nhưng sau vài tháng lại cảm thấy mình muốn ưu tiên sự tự do trong công việc. Do đó, mọi người có thể chơi lại trò chơi này sau một khoảng thời gian nhất định và so sánh với kết quả trước đó, tìm hiểu xem vì sao lại có sự thay đổi như vậy, và cần phải làm gì để thích ứng với những thay đổi đó.

Tổng kết

Moving Motivator là một trò chơi khá đơn giản nhưng thực sự hiệu quả. Bạn có thể chơi nó với từng người hoặc cả nhóm với nhau. Trò chơi giúp bạn hiểu rõ hơn về từng cá nhân trong nhóm để thay đổi môi trường làm việc sao cho phù hợp nhất với mọi người.

Bạn có thể mua bộ thẻ từ Management 3.0 hoặc tải về và tự in ra. Lưu ý là bạn không được bán bộ trò chơi này nếu chưa được sự cho phép của đơn vị sở hữu bản quyền.